1. Tranh chấp thừa kế là gì?
Tranh chấp thừa kế là việc mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ thừa kế.
Trong đó quan hệ thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người mất cho những người được thừa kế.
Tranh chấp thừa kế bao gồm:
- Tranh chấp giữa người thừa kế theo luật với người thừa kế theo di chúc
- Tranh chấp giữa người khác với người thừa kế theo di chúc;
- Tranh chấp tài sản thừa kế có di chúc;
- Tranh chấp giữa những người thừa kế theo luật với nhau vì việc phân chia di sản không đồng đều;
- Tranh chấp về thừa kế vì những người thừa kế cho rằng có người thừa kế không được quyền hưởng di sản;
- Tranh chấp thừa kế do xác định không chính xác về di sản thừa kế.
2. Tranh chấp thừa kế giải quyết ở đâu?
Tranh chấp thừa kế có thể được giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải.
Các thành viên được hưởng di sản thừa kế từ người đã mất có thể gặp gỡ, trao đổi để tìm phương án giải quyết mâu thuẫn để có thể đảm bảo tối đa quyền và lợi ích cho mình.
Nếu không tự thương lượng được với nhau thì các bên có thể nhờ người thứ ba đứng ra làm trung gian hòa giải tranh chấp thừa kế, có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Nếu các bên không thể tự thỏa thuận hoặc thương lượng được với nhau thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp cho mình.
Theo quy định của pháp luật, tranh chấp về đất đai bắt buộc phải qua hòa giải tại xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, trong tranh chấp về thừa kế, điều này là không bắt buộc, cần xác định đúng thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế để Tòa án có thể thụ lý vụ án.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, hướng dẫn tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP, trong vụ án thừa kế tài sản mà có tranh chấp về bất động sản, thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo nơi cư trú/làm việc của bị đơn hoặc theo nơi cư trú/làm việc của nguyên đơn nếu các bên có thỏa thuận.
Như vậy, trường hợp tranh chấp chia di sản thừa kế hay kể cả trường hợp tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất (là bất động sản) thì thẩm quyền tại Tòa án cũng thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú/làm việc hoặc nơi nguyên đơn cư trú/làm việc nếu các bên có thỏa thuận.
3. Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế
Cách thức giải quyết tranh chấp về thừa kế tại Tòa án được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
3.1 Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn khởi kiện tranh chấp thừa kế;
- Giấy tờ chứng minh nhân thân và nơi cư trú của người khởi kiện;
- Giấy tờ chứng minh nhân thân và nơi cư trú của người bị kiện;
- Giấy tờ chứng minh người để lại tài sản đã chết;
- Giấy tờ về tài sản là di sản thừa kế;
- Giấy tờ thể hiện quan hệ của người khởi kiện với người chết;
- Di chúc của người để lại di sản (nếu có).
3.2 Bước 2: Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thụ lý vụ án và thông báo về việc thụ lý
Sau khi nhận hồ sơ Tòa án sẽ:
- Kiểm tra hồ sơ và đơn khởi kiện hợp lệ, xác định đúng thẩm quyền giải quyết của mình.
- Thông báo người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp được miễn).
- Thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Tòa án phải thông báo đến các đương sự trong vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý.
Trên cơ sở thông báo của Tòa án, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể đưa ra ý kiến với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đối với Tòa án về vụ án.
3.3 Bước 3: Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án thực hiện tổ chức phiên họp để các bên đương sự thực hiện việc giao nộp những chứng cứ mà mình đã thu thập được, tiếp cận những chứng cứ của các đương sự khác qua đó làm sáng tỏ vụ án.
Tiến hành hòa giải để xác định những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề còn mâu thuẫn cần Tòa án giải quyết.
Trường hợp hòa giải tranh chấp thừa kế thành công thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sau thời gian 07 ngày kể từ ngày lập biên bản mà không ai có ý kiến gì khác.
Trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán có thể tiếp tục hòa giải hoặc ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3.4 Bước 4: Tòa án đưa vụ án ra xét xử
Phiên tòa xét xử giải quyết tranh chấp thừa kế diễn ra trong thời gian 01 tháng kể từ khi Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Khi đó, Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết giải quyết tranh chấp trên cơ sở tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của đương sự tại phiên tòa.
Trường hợp đương sự không đồng ý với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm thì có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề tranh chấp thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.
hỗ trợ pháp lý nhà đất xuyên việt : 088.6677.881( mr phương )